GVR: Lãi ròng năm nay có thể tăng 45%, thu hơn 400 tỷ đồng từ việc thoái vốn
Kết thúc quý 1/2024, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP (mã cổ phiếu GVR – sàn HoSE) ghi nhận 4.585 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lãi ròng lại giảm 14%, còn 650 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu do tập đoàn này hụt khoản thu từ bồi thường thu hồi đất và trả đất về địa phương (hạch toán vào khoản mục lợi nhuận khác). Nếu loại trừ khoản lợi nhuận này thì lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của Cao su Việt Nam tăng gần 16%, đạt hơn 708 tỷ đồng trong quý 1/2024.
Hoạt động kinh doanh của Cao su Việt Nam đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ việc giá cao su trên thị trường hồi phục mạnh. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Cao su Việt Nam, giá bán cao su trung bình trong quý 1/2024 của tập đoàn đạt 36,7 triệu đồng/tấn, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo giá bán cao su trung bình trong cả năm nay sẽ tăng 6 – 10% so với năm 2023. Trong năm ngoái, giá cao su đã giảm tới 11%, xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm.
Hiện thị trường cao su toàn cầu đang đối mặt với rủi ro thiếu hụt nguồn cung khi Thái Lan và Indonesia, hai quốc gia sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới, đối mặt với tình trạng khô hạn. Bên cạnh đó, giá dầu thô tăng cao cũng thúc đẩy giá cao su tăng lên.
Về phía nhu cầu, Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 70% lượng xuất khẩu cao su từ Việt Nam trong giai đoạn 2022 – 2023, được dự báo sẽ duy trì doanh số ô tô ổn định và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, từ đó dẫn đến nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc tăng.
Với triển vọng lạc quan của thị trường cao su hiện nay, hãng chứng khoán Mirae Asset Securities Vietnam (MASV) dự phóng doanh thu năm nay của Cao su Việt Nam ước đạt 25.681 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2023, và lợi nhuận sau thuế tăng tới 45,4%, đạt 4.904 tỷ đồng.
Dự phóng trên chủ yếu đến từ việc biên lợi nhuận gộp của Cao su Việt Nam kỳ vọng sẽ được cải thiện mạnh từ mức 22% trong năm 2023 lên mức 27% trong năm nay khi giá bán cao su hồi phục. Đồng thời, mảng gỗ phục hồi sẽ giúp Cao su Việt Nam ghi nhận lợi nhuận trở lại từ các công ty liên kết.
Hiện ban lãnh đạo Cao su Việt Nam “thận trọng” đặt mục tiêu kinh doanh năm nay ở mức 24.999 tỷ đồng doanh thu và 3.247 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 1% và tăng 2% so với mức nền thấp của năm 2023.
Về triển vọng trung và dài hạn, động lực tăng trưởng của Cao su Việt Nam sẽ đến từ mảng bất động sản khu công nghiệp nhờ lợi thế sở hữu hơn 245.000 ha đất trồng cao su trong nước. Bên cạnh đó doanh nghiệp có hơn 99 công ty con và 16 công ty liên kết.
Bắt đầu từ năm 2021, Cao su Việt Nam đưa ra kế hoạch xoay trục dần từ mảng cao su sang mảng bất động sản khu công nghiệp với mục tiêu chuyển đổi 7 – 8.000 ha đất trồng cao su sang đất công nghiệp mỗi năm trong giai đoạn 2021 – 2030, với mục tiêu sẽ chuyển đổi được hơn 39.000 ha đất vào năm 2030.
Hiện tại tập đoàn này đang đầu tư vào các khu công nghiệp như Nam Tân Uyên, Tân Bình, Hiệp Thạnh…..Trong năm 2023, dự án Nam Tân Uyên 3 đã được giao đất và Hiệp Thạnh 1 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư. Điều này sẽ giúp cho doanh thu của Cao su Việt Nam tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, trong năm nay tập đoàn quyết định thoái vốn 8 công ty và dự thu về hơn 400 tỷ nếu các thương vụ hoàn tất. Điều này sẽ đóng góp tích cực vào lợi nhuận của tập đoàn trong năm nay.
Tham gia cộng đồng chứng khoán: https://zalo.me/g/fgjfmc945
Nguồn: Tạp chí Công thương